Nhà cao cửa rộng he...he...

Blog

05/05/2009 17:30

Hồn thiêng sông núi

Hịch diệt quân Thanh

Hoàng Đế Quang Trung

 

Đánh cho để dài tóc,

Đánh cho để đen răng,

Đánh cho chúng chích luân bất phn,

Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn,

Đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ.

 

05/05/2009 17:07

Hồn thiêng sông núi

Hịch Tướng sĩ

 Trần Hưng Ðạo

 

Ta thường nghe: Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Ðế; Do Vu chìa lưng chịu giáo, che chở cho cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than, báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay để cứu nạn cho nước. Kính Ðức một chàng tuổi trẻ, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thái Sung; Cảo Khanh một bầy tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không theo mưu kế nghịch tặc. Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ, bỏ mình vì nước, đời nào chẳng có? Ví thử mấy người đó cứ khư khư theo thói nhi nữ thường tình thì cũng đến chết hoài ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách cùng trời đất muôn đời bất hủ được?
Các ngươi vốn dòng võ tướng, không hiểu văn nghĩa, nghe những chuyện ấy nửa tin nửa ngờ. Thôi việc đời trước hẵng tạm không bàn. Nay ta lấy chuyện Tống, Nguyên mà nói: Vương Công Kiên là người thế nào? Nguyễn Văn Lập, tỳ tướng của ông lại là người thế nào? Vậy mà đem thành Ðiếu Ngư nhỏ tày cái đấu đương đầu với quân Mông Kha đường đường trăm vạn, khiến cho sinh linh nhà Tống đến nay còn đội ơn sâu! Cốt Ðãi Ngột Lang là người thế nào? Xích Tu Tư tỳ tướng của ông lại là người thế nào? Vậy mà xông vào chốn lam chướng xa xôi muôn dặm đánh quỵ quân Nam Chiếu trong khoảng vài tuần, khiến cho quân trưởng người Thát đến nay còn lưu tiếng tốt!
Huống chi, ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ. Ỷ mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để phụng sự lòng tham khôn cùng; khoác hiệu Vân Nam Vương mà hạch bạc vàng, để vét kiệt của kho có hạn. Thật khác nào đem thịt ném cho hổ đói, tránh sao khỏi tai họa về sau.
Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm.
Các ngươi ở lâu dưới trướng, nắm giữ binh quyền, không có mặc thì ta cho áo; không có ăn thì ta cho cơm. Quan thấp thì ta thăng tước; lộc ít thì ta cấp lương. Ði thủy thì ta cho thuyền; đi bộ thì ta cho ngựa. Lâm trận mạc thì cùng nhau sống chết; được nhàn hạ thì cùng nhau vui cười. So với Công Kiên đãi kẻ tỳ tướng, Ngột Lang đãi người phụ tá, nào có kém gì?
Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm. Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm. Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai. Lúc bấy giờ chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết chừng nào! Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác giày xéo mà phần mộ cha ông các ngươi cũng bị kẻ khác bới đào; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến trăm năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi thỏa thích, phỏng có được chăng?
Nay ta bảo thật các ngươi: nên lấy việc đặt mồi lửa dưới đống củi nỏ làm nguy; nên lấy điều kiềng canh nóng mà thổi rau nguội làm sợ. Phải huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên, khiến cho ai nấy đều giỏi như Bàng Mông, mọi người đều tài như Hậu Nghệ, có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt dưới cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhaị Như thế chẳng những thái ấp của ta mãi mãi vững bền mà bổng lộc các ngươi cũng suốt đời tận hưởng; chẳng những gia thuộc ta được ấm êm giường nệm, mà vợ con các ngươi cũng trăm tuổi sum vầy; chẳng những tông miếu ta được hương khói nghìn thu mà tổ tiên các ngươi cũng được bốn mùa thờ cúng; chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí, mà đến các ngươi, trăm đời sau còn để tiếng thơm; chẳng những thụy hiệu ta không hề mai một, mà tên họ các ngươi cũng sử sách lưu truyền. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi không muốn vui chơi, phỏng có được không?
Nay ta chọn lọc binh pháp các nhà hợp thành một tuyển, gọi là Binh Thư Yếu Lược. Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời ta dạy bảo, thì trọn đời là thần tử; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời ta dạy bảo thì trọn đời là nghịch thù.
Vì sao vậy? Giặc Mông Thát với ta là kẻ thù không đội trời chung, mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn rửa nhục, không lo trừ hung, lại không dạy quân sĩ, chẳng khác nào quay mũi giáo mà xin đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc. Nếu vậy, rồi đây, sau khi dẹp yên nghịch tặc, để thẹn muôn đời, há còn mặt mũi nào đứng trong cõi trời che đất chở này nữa?

Cho nên ta viết bài hịch này để các ngươi hiểu rõ bụng ta.

05/05/2009 16:48

Hồn thiêng sông núi

Bình Ngô Đại Cáo

Nguyễn Trãi

 

Thay trời hành hóa,

Hoàng Thượng chiếu rằng,

Từng nghe:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo;
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác;
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần; bao đời xây nền độc lập;
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên; mỗi bên hùng cứ một phương;
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có.
Cho nên:
Lưu Cung tham công nên thất bại;
Triệu Tiết chí lớn phải vong thân;
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
Việc xưa xem xét.
Chứng cứ còn ghi.
Vừa rồi:
Nhân họ Hồ chính sự phiền hà
Để trong nước lòng dân oán hận
Quân cuồng Minh thừa cơ gây loạn
Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi.
Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc,
Ngán thay cá mập thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng,
Khốn nỗi rừng sâu nước độc.
Vét sản vật, bắt dò chim sả, chốn chốn lưới chăng.
Nhiễu nhân dân, bắt bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.
Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,
Nheo nhóc thay kẻ góa bụa khốn cùng.
Thằng há miệng, đứa nhe răng,
Máu mỡ bấy no nê chưa chán,
Nay xây nhà, mai đắp đất,
Chân tay nào phục dịch cho vừa ?
Nặng nề những nổi phu phen
Tan tác cả nghề canh cửi.
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi!
Lòng người đều căm giận,
Trời đất chẳng dung tha;
Ta đây:
Núi Lam Sơn dấy nghĩa
Chốn hoang dã nương mình

Ngẫm thù lớn há đội trời chung
Căm giặc nước thề không cùng sống
Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời
Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối.
Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh,
Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ
Những trằn trọc trong cơn mộng mị,
Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi
Vừa khi cờ nghĩa dấy lên,
Chính lúc quân thù đang mạnh.
Lại ngặt vì:
Tuấn kiệt như sao buổi sớm,
Nhân tài như lá mùa thu,
Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần,
Nơi duy ác hiếm người bàn bạc,
Tấm lòng cứu nước,
Vẫn đăm đăm muốn tiến về Đông,
Cỗ xe cầu hiền,
Thường chăm chắm còn dành phía tả.
Thế mà:
Trông người, người càng vắng bóng,
Mịt mù như nhìn chốn bể khơi.
Tự ta, ta phải dốc lòng,
Vội vã hơn cứu người chết đói.
Phần vì giận quân thù ngang dọc,
Phần vì lo vận nước khó khăn,
Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,
Lúc Khôi Huyện quân không một đội.
Trời thử lòng trao cho mệnh lớn
Ta gắng trí khắc phục gian nan.
Nhân dân bốn cõi một nhà,
Dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới
Tướng sĩ một lòng phụ tử,
Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào.
Thế trận xuất kỳ, lấy yếu chống mạnh,
Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều.
Trọn hay:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo

Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật,
Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay.
Sĩ khí đã hăng quân Thanh càng mạnh.
Trần Trí, Sơn Thọ nghe hơi mà mất vía,
Lý An, Phương Chính, nín thở cầu thoát thân.
Thừa thắng đuổi dài, Tây Kinh quân ta chiếm lại,
Tuyển binh tiến đánh, Đông Đô đất cũ thu về.
Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm
Tụy Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm.
Phúc tâm quân giặc: Trần Hiệp đã phải bêu đầu
Mọt gian kẻ thù: Lý Lượng cũng đành bỏ mạng.
Vương Thông gỡ thế nguy,
Mà đám lửa cháy lại càng cháy
Mã Anh cứu trận đánh
Mà quân ta hăng lại càng hăng.
Bó tay để đợi bại vong,
Giặc đã trí cùng lực kiệt,
Chẳng đánh mà người chịu khuất,
Ta đây mưu phạt tâm công.
Tưởng chúng biết lẽ ăn năn
Nên đã thay lòng đổi dạ
Ngờ đâu vẫn đương mưu tính
Lại còn chuốc tội gây oan.
Giữ ý kiến một người,
Gieo vạ cho bao nhiêu kẻ khác,
Tham công danh một lúc,
Để cười cho tất cả thế gian.
Bởi thế:
Thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng
Đồ nhút nhát Thạnh, Thăng đem dầu chữa cháy
Đinh mùi tháng chín,
Liễu Thăng đem binh từ Khâu Ôn kéo lại
Năm ấy tháng mười,
Mộc Thạnh chia đường từ Vân Nam tiến sang.
Ta trước đã điều binh thủ hiểm,
Chặt mũi tiên phong
Sau lại sai tướng chẹn đường
Tuyệt nguồn lương thực
Ngày mười tháng tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế
Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu
Ngày hăm lăm, bá tước Lương Minh đại bại tử vong
Ngày hăm tám, thượng thư Lý Khánh cùng kế tự vẫn.
Thuận đà ta đưa lưỡi dao tung phá
Bí nước giặc quay mũi giáo đánh nhau
Lại thêm quân bốn mặt vây thành
Hẹn đến giữa tháng mười diệt giặc
Sĩ tốt kén người hùng hổ
Bề tôi chọn kẻ vuốt nanh
Gươm mài đá, đá núi cũng mòn
Voi uống nước, nước sông phải cạn.
Dánh một trận, sạch không kình ngạc
Đánh hai trận tan tác chim muông.
Cơn gió to trút sạch lá khô,
Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ.

Đô đốc Thôi Tụ lê gối dâng tờ tạ tội,
Thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng.
Lạng Giang, Lạng Sơn, thây chất đầy đường
Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước
Ghê gớm thay! Sắc phong vân phải đổi,
Thảm đạm thay! Ánh nhật nguyệt phải mờ.
Bị ta chặn ở Lê Hoa,
Quân Vân Nam nghi ngờ, khiếp vía mà vỡ mật
Nghe Thăng thua ở Cần Trạm,
Quân Mộc Thạnh xéo lên nhau, chạy để thoát thân.
Suối Lãnh Câu, máu chảy thành sông,
Nước sông nghẹn ngào tiếng khóc
Thành Đan Xá, thây chất thành núi,
Cỏ nội đầm đìa máu đen.
Cứu binh hai đạo tan tành, quay gót chẳng kịp,
Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng
Tướng giặc bị cầm tù,
Như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng
Thần vũ chẳng giết hại,
Thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền,
Ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa,
Về đến nước mà vẫn tim đập chân run.
Họ đã tham sống sợ chết mà hòa hiếu thực lòng
Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.
Chẳng những mưu kế kì diệu
Cũng là chưa thấy xưa nay
Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục rửa sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc
Âu cũng nhờ trời đất tổ tông
Linh thiêng đã lặng thầm phù trợ;
Than ôi! Một cỗ nhung y chiến thắng,
Nên công oanh liệt ngàn năm
Bốn phương biển cả thanh bình,
Ban chiếu duy tân khắp chốn.

Xa gần bá cáo,
Ai nấy đều hay.

Bản dịch của Ngô Tất Tố

 

 

04/05/2009 10:27

Nguy hiểm quá!

Kính gửi:  Các đồng chí uỷ viên Bộ Chính Trị,

đồng kính gửi: Thủ Tướng và các Phó Thủ Tướng Chính Phủ.

 

Kính thưa các đồng chí !

Lâu nay tôi không có thông tin, mãi đến gần đây được đọc thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hàng trăm ý kiến không đồng tình của các nhà khoa học, cán bộ và người dân ở khắp Bắc - Trung - Nam, tôi mới biết ta đồng ý cho Trung Quốc khai thác bauxit ở Tây Nguyên. Nguy hiểm quá! Tôi cũng thấy những nguy hại như mọi người đã phát biểu: tàn phá môi trường sinh thái, xâm hại rừng nguyên sinh, nguy hại cho đời sống của đồng bào dân tộc người Thượng, lưu độc cho các dòng sông phát nguyên hoặc chảy qua Tây Nguyên, ảnh hưởng rất xấu cho đời sống của người dân Nam bộ sống dọc hai bờ sông Đồng Nai, có thể ảnh hưởng đến các công trình thuỷ điện phía Nam. Điều đáng lo hơn cả là an ninh quốc giạ Chúng ta đều biết Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân hùng mạnh ở Tam Á đảo Hải Nam, nói thẳng ra là không phải để chống kẻ thù xâm lược nào, mà là đe dọa Việt Nam và sẵn sàng chờ thời cơ thôn tính nốt Trường Sa của chúng ta, sau khi đã nhanh tay chiếm Hoàng Sa từ tay Chính quyền Sài Gòn. Nay lại để Trung Quốc khai thác bauxit ở Tây Nguyên thì sẽ có năm, bảy nghìn hoặc một vạn công nhân hay quân nhân Trung Quốc đến cư trú và hoạt động tại đây, sẽ hình thành một "thị trấn Trung Hoa", một "căn cứ quân sự" trên địa bàn chiến lược vô cùng xung yếu của chúng ta (vũ khí đưa vào thì không khó gì). Phía Bắc nước ta, trên biển có căn cứ hải quân hùng mạnh, phía Tây Nam nước ta có căn cứ lục quân trang bị đầy đủ thì độc lập, chủ quyền mà chúng ta đã phải đổi bằng hàng triệu sinh mạng cùng xương máu sẽ như thế nào?!

Về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chúng ta có đầy đủ căn cứ lịch sử và pháp lý, còn Trung Quốc thì không. Vậy mà báo chí Trung Quốc dựng ra chứng cứ, luôn công khai xí hai quần đảo đó là của họ. Quốc vụ viện Trung Quốc (chính phủ) công khai công bố quyết định lập huyện Tam Sa. Trung Quốc có nhiều hành động rất công khai mà lại dỗ chúng ta im lặng không đưa vấn đề ra công khai, thật là vô lý. Chúng ta muốn sống hòa bình hữu nghị với Trung Quốc, tôi cũng muốn thế. Nhưng hữu nghị cũng phải đấu tranh thích hợp để bảo vệ lợi ích chính đáng của Tổ Quốc ta. Nếu lãnh đạo chưa tiện lên tiếng công khai thì cứ để báo chí, các nhà khoa học lịch sử đưa ra chứng lý, cứ để cho quần chúng biểu tình hoà bình, phản đối khi lãnh thổ Quốc gia bị xâm phạm, không nên dập đi tinh thần yêu nước của họ.

Đành rằng các đồng chí có quyền, muốn làm gì cũng được, quyết định thế nào cũng được, nhưng cũng nên quan tâm dư luận, lắng nghe những lời phân tích lợi, hại, phải, trái mà suy nghĩ cân nhắc. Từ xưa đến nay, ở triều đại nào cũng vậy, chủ trương, chính sách ích quốc, lợi dân thì được dân ủng hộ, chủ trương chính sách sai trái tổn quốc, hại dân thì dân oán. Dân oán, mất lòng tin thì khó yên ổn và thịnh vượng được. "Quan nhất thời, dân vạn đại", "vua cũng nhất thời, dân vạn đại"

Thưa các đồng chí,

Trên đây là những lời nói thẳng, tâm huyết của một đảng viên già 70 tuổi Đảng, đã gần đất xa trời, mong được các đồng chí xem xét.

Kính chào,

(đã ký)

 Nguyễn Trọng Vĩnh

(Cựu Thiếu tướng, Nguyên Chính ủy Quân khu 4, cựu Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh giai đoạn 1974 -1989)

02/05/2009 14:16

Tây Nguyên ơi !

Nhà thơ VĂN CÔNG HÙNG

 

TÂY NGUYÊN VÀ BÔ XÍT

 

Tôi vừa lang thang đi mấy huyện ở Tây Nguyên. Đi mới biết hình như nơi nào ở Tây Nguyên cũng có... bô xít. Làng mạc, rừng núi, sông suối, rừng vườn... đang trù phú xum xuê thế, đang hồn nhiên tươi trẻ thế, đang xanh tươi mướt mát thế, bỗng một hôm phát hiện rằng có bô xít ở dưới, thế là...

Bây giờ đi xuống các địa phương phía nam Tây Nguyên thi thoảng ta gặp người... nước ngoài. Nhưng đây không phải nước ngoài du lịch, cũng không phải Tây ba lô, mà trông họ... nhếch nhác lắm. Thì ra đấy là... công nhân bô xít... nhập ngoại. Cái chuyện bô xít này chưa biết ngã ngũ như thế nào nhưng thấy lòng dân có vẻ bất an lắm. Mấy năm phát triển, rừng ào ào trụi, giờ lại thêm bô xít. Cái nhỡn tiền là môi trường - không chỉ là môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái thông thường, mà nó là cả môi trường văn hóa, bị xâm hại, không chỉ bị xâm hại, có nhà văn hóa còn bảo, nó sẽ bị phá hủy. UNESCO công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên chứ có phải chỉ riêng cồng chiêng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đâu. Có mấy nhà văn cũng đã có thư ngỏ gửi các cơ quan có trách nhiệm bày tỏ quan ngại về vấn đề này rồi...

 

Công trường Bô Xít ở  Nhân  Cơ. Trước khi như thế này, nó là rừng, xanh ngắt và bề thế, là làng mạc nữa, với bao nhiêu yên ấm thanh bình...


Nghe nói dưới chân tôi đây cũng Bô Xít

 

Lại nhớ mới đây có một cái hội thảo khá lớn ở Đăk Nông rồi sau đó là ở Hà Nội về Bô xit. Chính quyền tỉnh và tập đoàn than khoáng sản Việt Nam thì muốn khai thác bô xit ở đây, nghe nói là vô cùng nhiều, nhiều như... đất, cứ bóc vỏ đất ra là thấy. Các nhà văn hóa, khoa học, có cả đại tướng Võ Nguyên Giáp và mấy vị tướng nữa, thì chỉ ra rằng, Bô xit có thật đấy, nhưng chả bõ bèn gì, bởi vì quặng Bô xit rất rẻ, có bóc hết đất Tây Nguyên cho nó trọc lếu trọc láo cả lên thì cũng chả đáng là bao nếu quy ra đô la. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thì kết luận: Không khai thác bô xít bằng mọi giá. Theo tính toán thì bao giờ Bô xit thành nhôm thì mới có giá trị. Mà từ Bô xit đến Nhôm là cả một giai đoạn rất dài và rất tốn kém, nghe nói có một nước nào đó ông nhà văn Nguyên Ngọc đã đi thăm, thì để phục vụ riêng một nhà máy luyện nhôm cỡ trung bình, nước này phải dành hẳn một nhà máy thủy điện cỡ Ia Ly để phục vụ nó. Mà đấy mới là điện, chứ để biến từ bô xit ra nhôm còn bao nhiêu thứ khác nữa. Thế nên nếu cứ quyết tâm làm bô xit thì văn hóa Tây Nguyên sẽ bị băm nát. Ông Nguyên Ngọc nói thế và nhiều người cũng biết thế. UNESSCO công nhận cồng chiêng Tây Nguyên là di sản nhưng thực ra là không gian văn hóa cồng chiêng chứ không chỉ mình cồng chiêng như một số người hiểu. Vậy nên vấn đề bô xit đang nóng ở Tây Nguyên. Đụng đến Bô xit là đã đụng đến cái món không gian văn hóa này rồi...

May thay là Bộ chính trị vừa có kết luận về vấn đề Bô Xít chứ không cứ như nghe cái nhà ông Đoàn Văn Kiển, chủ tịch HĐQT tập đoàn than khoáng sản Việt Nam trả lời Việt Nam net mà thấy hãi. Ông này nói rất lấy được, cái kiểu có làm mới biết lỗ lãi, mới biết có ảnh hưởng, có xâm hại gì không... thì quả là kiểu nói cả vú lấp miệng em, nói như kiểu duy ý chí một thời, rất vô trách nhiệm.

Tôi cho rằng, phàm là tài nguyên, là khoáng sản thì phải khai thác thôi. Nó là lộc giời, là ân sủng trời cho. Tuy thế nó không phải là vô tận, và nó cũng không phải là của làng để rồi ai cũng nhăm nhăm lao vào làm một phát cho nở mày nở mặt. Không thể khai thác nó bằng mọi giá. Đời mình chưa có điều kiện thì cứ để đấy, trồng cây, canh tác, làm du lịch (cắm cọc bảo: nơi này có Bô Xít đấy- cũng sẽ có khối người tò mò đến thăm)... rồi đời con, thậm chí đời cháu, chút, chít... có điều kiện, chúng sẽ khai thác một cách tinh tươm gọn ghẽ bằng những công nghệ hiện đại nhất, làm bô xít mà như đi du lịch, nước cứ trong vắt, đất cứ xanh rì cây lá... Bởi ngay cái kế hoạch khai thác bô xít bây giờ thì Trung ưong cũng đã nghiên cứu hàng mấy chục năm nay rồi cơ mà...

Bây giờ, rõ ràng lòng dân chưa thuận, mà trong Đảng cũng chưa đồng, còn nhiều vấn đề tế nhị mà chúng ta chưa lường hết được.

Thì đã làm sao nếu cứ tạm quên cái món bô xít đi. Cây công nghiệp, rừng, những thảo nguyên mênh mông rợn cỏ để chăn nuôi... vẫn phát triển như cũ. Tạm thôi, lòng dân là nước, nước ấy đang bình yên chảy như ngàn đời vẫn thế...

VCH


02/05/2009 13:59

Tướng Đồng Sỹ Nguyên

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên  

XÂY DỰNG TÂY NGUYÊN

PHẢI DO CHÍNH NGƯỜI VIỆT NAM LÀM

 

Phải mất bao nhiêu đời, bao nhiêu xương máu, ta mới giành lại được Tây Nguyên - nơi có con đường Hồ Chí Minh huyền thoại chạy qua. 
Trong thời chiến, thời bình và cả sau này cũng vậy, địa chiến lược, địa quân sự Tây Nguyên cũng luôn là yếu huyệt, vì thế làm gì ở Tây Nguyên cũng phải rất cẩn trọng.
Tất nhiên, giữ Tây Nguyên không đồng nghĩa với việc để Tây Nguyên kém phát triển. Đảng và Nhà nước phải có chính sách lo cho Tây Nguyên phát triển ngang tầm với vị trí chiến lược trọng yếu.

Thiếu vốn thì đi vay, thiếu máy móc thì mua về, thiếu chuyên gia thì đào tạo.

Nhưng tuyệt đối không được cho bất kỳ nước nào vào Tây Nguyên. Xây dựng Tây Nguyên phải do chính bàn tay người Việt Nam làm. 

Nguồn: tuanvietnam.vnn

02/05/2009 08:38

Thơ hình như có liên quan đến bo xít

Sau khi BCT kết luận vụ bô xít, mọi người phần thì nản, phần tạm hài lòng theo kiểu chuyện đã rồi, ngậm bồ hòn làm ngọt... cho nên sự việc tạm coi như xong, mình cũng "cong như xoi" hu...hu... ai dè trên mạng lại bừng lên một cơn tức giận mới sau khi ông thứ trưởng ngáo ộp Lê Dương Quang "thừa thiếu xông lăng" chụp mủ, nơm dậm lung tung cánh nhà báo và các trí thức yêu nước.

Trên mạng người ta đã xỉ vả ông "giáo sỹ phó tiến sư" này nhiều rồi, mình phu phen, chỉ cóp về đây 2 cái có vần vè bắt gặp trên đường đi mót quặng.

 

 

 THƯ NGỎ GỬI BỘ CÔNG THƯƠNG

 

Trường Giang

 

Chắc quý bộ hết người tử tế,
đành dùng  " Lê thứ trưởng" dở hơi ?
Đã không biết của, biết người,
Lại còn cậy thế, xổ lời trái tai .

Ai bịa đặt ? nào ai kích động ?
Hay là suy từ bụng  ông  ta ?
Thời "Hồng vệ binh" đã qua 
Cái oai "ngoáo ộp" hóa ra trò hề

Eo ôi, sợ ! sợ ghê sợ gớm !
Sợ ngài " Lê thứ trưởng" Công Thương
Phen này trí thức, báo chương
bị ông ta gọi " đối phương" không chừng !!!

Chúng tôi xót cánh rừng, con suối
Tiếc máu xương đồng đội năm xưa
Ai tham, nhắm mắt làm bừa
Hãy mau thức tỉnh, đừng đưa nạn vào !

Thời Bắc thuộc khổ đau biết mấy !
Nay phải lo giữ lấy non sông ;
Đất badan, tiếng chiêng cồng ;
Cao nguyên xanh của cha ông truyền đời

Quý bộ trót cử người bất nhã
Gây bất bình với cả bao người
Mắc mưu phương Bắc lòi đuôi
Hãy mau mở mắt kẻo rồi... đi tong !

29-4-2009

 

 

Gửi thứ trưởng
Lê Dương Quang

Trần Nhương

 

Ông Quang là lính LÊ DƯƠNG
Thứ trưởng mà nói ẩm ương thế à ?
Cậy quen ra lệnh xó nhà
Đút tay vào túi đi ra đi vào
Lên cái giọng nói hỗn hào:
“Bô-xít” là của “chúng tao” đang làm
Sao trí thức cứ nói càn
Báo chí cũng lại nói ngang chen vào ?
Ông Quang xuyên tạc, rêu rao
Nói năng nhăng cuội ào ào thế a ?
Chính ông là kẻ ba hoa
Làm sai ý Đảng, làm ma doạ người
Dư luận sẽ phải ra roi
Dạy ông bài học như thời Lê Dương
Báo chí dồn đến chân tường
Ông chạy mất dép ra đường thoát thân
Nhắn ông hãy tỉnh ra dần
Xin lỗi trí thức, tạ ân báo đài
Và ông Bộ trưởng có hay
Thứ mà như thế có ngày… oan gia..

Thứ 4 ngày 29/4/2009

 

 

28/04/2009 19:50

Thơ Bùi Chí Vinh

Khoảng mười năm trước mình gặp Bùi Chí Vinh, công xi với nhau mấy chầu lèo tèo me xoài cóc ổi, nghe lão lèm bèm chuyện đầu đường xó chợ, giang hồ nhớ lung tung… Có bữa lão kể ngày xưa tao Biệt động quân, rằn ri thế này mặt ngầu thế này… hôm khác lão nổi hứng tao Biệt động thành, vào ra thế này trèo tuột thế này… Mình nghe riết rồi chẳng biết lão nằm vùng hay biệt kích, chỉ thích mỗi thơ tình của lão, bài nào cũng  nghịch ngợm, cà tửng cà tưng… mượn dăm câu đi tán gái thì “Cũ người mới ta, trăm trận trăm thắng” he…he…

Lâu rồi không gặp, nghe mấy bác xã trưởng văn nghệ bảo giờ lão viết kịch bản, làm ziễn ziên đóng phim ma, phim điên gì đấy, nghĩ chắc đại ca thẩn rồi, bỏ thơ rồi, ai dè hôm qua lên mạng rình xem ông “háng xòm” tốt đã múc được bô xít hay chưa thì gặp “Một ngày giống hệt mọi ngày” của lão.

À ra là gã du đảng văn nghệ này không những đang thơ mà còn trợn tròng thơ với chuyện quốc gia đại, tiểu sự.

Trước khi lên bới quặng với người anh em tốt, đọc bài này thêm phát.

  

 

MỘT NGÀY PHẢI KHÁC MỌI NGÀY
(Sau một ngày thống kê một cách khách quan những bi hài kịch thời sự nóng hổi)

 

BÙI CHÍ VINH

 

Chào một ngày giống hệt mọi ngày

Sóng truyền hình phủ toàn phim Trung Quốc

Từ HTV, VTV, BTV, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau… cho đến “cáp”

Hết “Triều Đại Mãn Thanh” đến “Đại Tống Truyền Kỳ”

 

Chào một ngày giống hệt mọi ngày

Đọc báo thấy cha ông mất hút

Thấy thiên hạ quỳ mọp dưới tượng đài Binh Pháp Mặc Công, Ngọa Hổ Tàng Long, Họa Bì, Xích Bích…

Con nít thuộc lòng Hoắc Nguyên Giáp, Hoàng Phi Hồng, Diệp Vấn, Diệp tùm lum hơn thuộc sử Tiên Rồng

 

Chào một ngày đất nước tự lưu vong

Cội rễ văn hiến 4000 năm trốc gốc

Tuổi teen gối đầu giường Lý An, Ngô Vũ Sâm, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca lạ hoắc

Pano giăng khắp nơi hình ảnh Củng Lợi, Chương Tử Di, Thành Long phơi phới toét miệng cười

 

Chào một ngày phát triển giống đười ươi

Đi trên xã tắc thấy người thua xa khỉ

Thấy lô cốt ngáng đường, thấy nước ngập tận mông, thấy thánh hiền sợ quỷ

Thấy truyền thống chống ngoại xâm co rúm lại vì… tiền

 

Chào một ngày vong bản vì… hèn

Sống chết mặc bây, túi thầy vô cảm

Ải Nam Quan nằm ngoài ranh giới Việt Nam, xưa rồi Diễm…

Nước mắt Nguyễn Trãi khóc Nguyễn Phi Khanh rơi ở tận… nước Tàu

 

Chào một ngày bãi biển hóa nương dâu

Thác Bản Giốc rời Cao Bằng như có cánh

Thắng cảnh để lại của tiền nhân bị cháu con ghẻ lạnh

Các di tích, kỳ quan cứ mất tích đều đều

 

Chào một ngày hình chữ S tong teo

Tài nguyên bôxit bị bới đào như… bọ xít

Nhôm và đô la chẳng thấy đâu, chỉ thấy đất Tây Nguyên rên xiết

Ô nhiễm mạch ngầm, nước sông làm nghẹt thở Chín Con Rồng

 

Chào một ngày long mạch bị xới tung

Máu bầm đất đỏ bazan, máu tràn ra hải đảo

Ai cho phép Hoàng Sa Trường Sa thành Tam Sa lếu láo

Tội nghiệp rừng cọc nhọn của Hưng Đạo Đại Vương trên sóng Bạch Đằng

 

Chào một ngày giống hệt cõi âm

Những xác chết anh hùng bật dậy

Máu trả máu, đầu trả đầu. Nhớ đấy

Mãi quốc cầu vinh tất quả báo nhãn tiền

 

Chào một ngày soi rõ mặt anh em!

 

17/04/2009 12:38

Những bài thơ tôi thích 3

Năm 1985, mình đi thực tế tại xã Vĩnh Điều, Kiên Giang, sát biên giới Campuchia. Ở nhà ông Ba Lù (gia đình này hấp dẫn lắm, kể sau).

Trình độ văn hóa của bác Ba hình như chỉ lớp 2 trong bưng. Ấn tượng về bác đối với mình là da cổ, da cùi chỏ của bác như da trâu và trước mỗi câu nói bác đều chen tiếng Đan Mạch nhưng nghe không tục.

Ba tháng liền, ngày ngày, Quang, Chữ và mình cắp cặp đi ký họa, tối về ngồi trước sân nhà tối om, có gì uống nấy, hút nấy và nói chuyện tào lao.

Một tối nổi hứng, mình ngâm bài  “Hôm nay dưới bến xuôi đò…” của Nguyễn Bính (cốt là để con gái bác Ba nghe) sau đó giới thiệu tác giả, bình phẩm lung tung, nói chung là nổ đủng đoảng về đồng chí nhà thơ chân quê này…

Đang bốc phét thì bác Ba bước ra  - Đ.m ông viết thơ này tao rành, hồi xưa tao ở với ổng mấy tháng… Mà lạ nghen, đầu hôm tao ngủ với ổng rõ ràng nhưng nửa đêm đi tiểu là ổng biến mất, sáng thức dậy lại thấy ổng nằm bên cạnh, đ.m y như Ziệt Cộng zdậy…. Cái bài mày đọc hồi nãy hay, bài “Hôm qua em đi tỉnh về” hay, mày biết bài này không ? Đ.m hay đéo chịu được…

Thật tình lúc đó mình hơi bực vì bị cụt hứng và không tin lắm về khoản đọc thơ, ngâm vịnh của người Nam bộ nhưng sau khi bác Ba đọc xong “Ái Khanh Hành” thì mình lâng lâng mất cả đoạn.

Trời ! đích thị là Nguyễn Bính, đích thị là một bài đỉnh cao của  tác giả Lỡ Bước Sang Ngang.

Tối đó, mình bắt bác Ba đọc cho mình chép lại và từ bấy đến nay, với mình, Ái Khanh Hành vẫn là một trong những bài thơ mà mình thích nhất.

Năm 2000, nhà thơ Nguyễn Thái Dương, lúc đó đang phụ trách trang thơ của báo Tuổi Trẻ nghe mình đọc, đã nhờ chép lại và giới thiệu trang trọng bài thơ này, cùng lúc, NTD đã thông báo với bà Nguyễn Bính Hồng Cầu, nghe nói gia đình bà vui lắm, sẽ đăng bài này trong tuyển tập Nguyễn Bính sắp ra, nhưng gần 10 năm rồi, rất nhiều tập thơ Nguyễn Bính được xuất bản từ bắc chí nam, vậy mà mình chẵng thấy Ái Khanh Hành có mặt trong tập nào, lạ thật.  

Sáng nay lên mạng, gõ chữ Nguyễn Bính để tìm bài Thôn Vân, tình cờ thấy Thi Viện và nhiều trang blog đăng Ái khanh Hành nhưng thiếu sót và không đúng với bản mà mình biết.

Nguyên bản của tác giả thế nào chưa rõ nhưng với bản này mình tin nó đầy đủ và hay hơn các bản đang có trên mạng. Mời bà con đọc, ai có bản khác xin đối chiếu, bổ sung để Ái Khanh Hành hay nhất, đúng nhất, Nguyễn Bính nhất.  

 

    

 

Ái khanh hành

 

Nguyễn Bính

 

Không phải gặp em từ buổi ấy
Có lẽ gặp em từ ngàn xưa
Lòng anh yêu em không có bến
Tình anh yêu em không có bờ

Viết ra có đến ngàn trang giấy
Làm ra có đến ngàn bài thơ

Tương tư một đêm năm canh trắng
Nhớ nhung một ngày mười hai giờ

Bán cả trần gian anh cũng bán

Mua bằng ngàn vàng anh cũng mua
Chao ôi! Em đẹp như hoa cải

Chao ôi ! Em hiền như cùi dừa

Chao ôi ! Em hiền như rau rút
Chao ôi ! Em hiền như nước mưa

Em ngọt hơn mía, thơm hơn mít

Em lành như tương, mát như dưa

Xoắn xuýt lấy nhau như nướng chả

Ngớ ngẩn tình nhau như phải bùa

Ví chăng có một nước Tình ái
Em là Hoàng Hậu, anh làm Vua

Chiếc giày anh nhặt qua cầu đó

Chỉ một mình em là đi vừa

Em nhổ nước miếng xuống mặt biển
Mặt biển thơm lên hai bốn giờ

Em cười nửa miệng khi qua đó

Tám vạn loài hoa nở trái mùa

 

Em ơi, em ơi mùa xuân sang

Nhớ em con mắt say lờ đờ.

 

14/04/2009 13:36

Thơ hồi xưa


Những bài thơ này mình viết lâu lắm rồi, thời trai trẻ, khát con gái nhà người ta đến si cuồng, lại đang gặp vận đói rách triền miên.
Cuối năm 1987, sau 5 năm mỹ thuật, quyết định xách bị lang thang vẽ vời, lòng vòng mấy tỉnh thành, cuối cùng dừng lại Đà Lạt hơn nửa năm. Nửa năm ấy,(hình như có tắm vài lần trong những ngày nắng tốt), với hơn 1 bộ đồ (dôi ra 1 cái quần xà lỏn rách đâu khâu đấy). Ngày nào cũng susu, bắp cải và uống cà phê trừ bữa. Không biết ma xui quỷ khiến thế nào mà mình vẽ và yêu như điên đến vậy.

Khoảng tháng 3 .1988, hết giấy, hết màu…rồi ốm đói, mấy ngày liền mắt hoa, tay mỏi, chân run…không nguệch ngoạc được nữa, đang tuyệt vọng, tự nhiên thơ rầm rập kéo đến trong những cơn khát tình, khát rượu, thèm thuốc lá, thèm ăn, thèm chết… thế là viết, viết rất trôi chảy, không cần sửa câu chữ nào và cũng chẳng biết là hay hay dở.

Tháng hè, bọn Long, Tùng, Mai, Thúy, Sơn, Hiệp…lên thăm, lục lọi đọc rồi phán “Tranh đẹp, thơ hay còn mày thối quá !” Thế là bọn nó lôi dậy, tạt nước bắt tắm, bắt cắt tóc, cạo râu...rồi bị gậy theo chúng nó xuống đèo.

Sau bữa đó, tự dưng thơ trong người mình trôi tuột đâu mất.

Bây giờ viết khó, đôi lúc nghĩ bậy rằng ngày ấy chắc nàng thơ đã theo dòng nước tắm gội, lăn xuống đồi Cù rồi bị cuốn theo dòng người, dòng đời tưởng là đổi mới ấy… Bao năm lang chạ với đủ mọi thành phần, ngày đêm đùa cợt, đĩ thỏa, no nê, rửng mỡ…Sau này, đôi bận nàng về thì qua quýt, cẩu thả, chai sạn, tanh tưởi, phản phúc và vô giáo dục. (cái này là mình tự xỉ vả)

Bữa nay gặp lại nàng trong anh em, bè bạn, vẫn thấy nàng rực rỡ, kiêu sa như vài mươi năm trước, thời mà nàng yêu cái thằng chán đời, ở bẩn, đói rách…cân cả xương, da, nạc, cáu ghét, cặn bã, tuyệt vong, u mê…được 42kg.

 

Thơ hồi xửa hồi xưa

Trung Dũng

 

Đà Lạt cũ

Có phải của em

Sợi tóc đen huyền

Bay qua thành phố

Vướng lại trong sương.

 

Có phải của em

Tiếng cười, câu nói

Xâu thành từng chuỗi

Ở thác Pren.

 

Có phải của em

Tia nhìn lóng lánh

Đậu trên đôi cánh

Chuồn chuồn đang bay.

 

Có phải của em

Một chút dịu hiền

Ngủ trên bắp cải

Trong vườn lê-ghim*.

 

Có phải của anh,

Có phải của nàng

Để anh gói lại

Ngày mai mang sang.

 

Của em…của em

Mối tình em đợi

Nụ hôn đắm đuối

“Anh được thì cho em xin”

Đà Lạt 1988

 * légume, vườn lê – ghim: vườn rau (tiếng Pháp)

 

Đồi Cù một thoáng mưa

Đồi Cù mãi khom lưng

Cho những con ngựa cưỡi

Đoàn du khách lên tìm

Đám mây chiều lạc lối

Ngắng như những hòn cuội

Lăn xuống hồ Xuân Hương

Con cá diếc đớp lầm

Tưởng những xâu nhẫn cưới

Thời gian chừng mệt mỏi

Ngồi nghỉ chân trên đồi

Sương chạm vào mặt trời

Rơi như là kính vỡ

Một chàng trai chưa vợ

Tưởng đám cưới chàng Ngưu

Hàng thông gật gật đầu

Như đang nghe nhạc rock

Đoàn ngựa phi lên dốc

Đuổi đám mây lên trời

Khách Sài Gòn lên chơi

Mưa ướt mèm áo gió

Con chuồn chuồn thương quá

Chở cơn mưa bay đi…

Đà Lạt 1988

 

Buổi sáng Đà Lạt

Giấc mơ chưa kịp bay đi

Màn sương nhón chân níu lại

Nắng chạm vào em thủy tinh

Mặt trời hình như ái ngại.

Con ngựa ăn cỏ trên đồi

Thời gian dừng chân đứng đợi

Con chuồn chuồn nhỏ ngủ quên

Trên cành thông khô năm ngoái.

Gió là một lượt ngàn thông

Giọt sương vỡ trên lá biếc

Đà Lạt choàng chiếc khăn voan

Hoa dại cài trên áo cưới.

Những đóa hoa quỳ tàn vội

Nhường bước cho mặt trời lên

Núi đồi vẫn cứ ngủ yên

Kéo cho dài giấc mộng đẹp.

Đà Lạt 1988

 

Buổi sáng Đà Lạt

Sương giăng mênh mông

Gió lặng.

Nắng ở trong em tiết trinh

Má hồng

Mơ mộng.

Buổi sáng Đà Lạt

Lạnh

Hôn nhau

Nụ hôn bốc hơi

Tan vào trời

bồi hồi

tuổi trẻ

yêu người…

Đâu rồi đỉnh Langbian ?

Đâu rồi hồ Xuân Hương ?

Đâu rồi hướng đông, hướng nam ?

Đâu rồi

thời gian…

Buổi sáng Đà Lạt,

Chỉ thấy màn sương

lộng lẫy

huy hoàng

Giăng …

Giăng …

Giăng…

Đà Lạt 1988

 

Cây xương rồng trên cát bể

Cây xương rồng trên cát bể

Tôi thích quá

Con gái người ta

Tuổi 13

Vú từ đâu bay về đậu lên ngực nhỏ.

 

Cây xương rồng

Trên cát bể

Là nhà thơ

Sinh ra

Từ nỗi khổ

Ngàn xưa.

1987

 

Có một con mèo tam thể

Có một con mèo tam thể

Đang nghịch đùa trên vú nàng

Và trong một đêm trăng sáng

Vú nàng bỏ đi lang thang.

 

Tôi ngợp trong trăng

Tôi buồn tôi khổ

Nàng yêu con mèo tam thể

Tôi ngoại tình trong giấc mơ.

 

Có một con mèo tam thể

Đang nghịch đùa trên vú nàng

Và có một chàng trai trẻ

Đang yêu đương một chiếc coọc-sê.

1990

 

Hóa thân

(thơ ghi trên thiệp Tết)

 

Những sợi khói từ ngôi nhà ấm áp

Bay lên trời thành những đám mây bông

Loài cỏ lạ nơi đại ngàn sâu thẳm

Khi gió đông qua

nở rộ giữa đồng bằng.

Tết 1996

Search site

New list

This list is empty.

Trung Dũng © 2008 All rights reserved.

Create a website for freeWebnode